3 lý do không nên phân biệt môn chính – môn phụ

Thứ tư - 11/05/2022 06:29
Phân biệt môn chính – môn phụ là tình trạng vốn không nên có, nhưng vẫn thường trực trong cuộc sống học đường hiện nay. Có những lý do nào làm chúng ta nên dừng lại quan niệm này?
     Có rất nhiều lý do khiến chúng ta không thể học tập một cách toàn diện như mục tiêu giáo dục đã đề ra. Nhưng việc không học được toàn diện không phải là do chúng ta không có khả năng, mà là do tư duy, quan niệm phân biệt môn chính – môn phụ luôn tồn tại và kìm nén chúng ta. Dưới đây là top 3 lý do khiến chúng ta nên dừng ngay quan niệm sai lệch này. 

1. Mỗi một môn học đều mang những giá trị riêng biệt: 

     Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Giáo dục đưa những môn học vào nhà trường để dạy chúng ta thành người. Mỗi một môn học đều đem lại những giá trị riêng biệt. Và con người chúng ta, mỗi người là một cá thể riêng biệt, nên sẽ có những năng lực riêng phù hợp với từng môn học. Có thể môn học này ít đem lại giá trị cho người này, nhưng lại đem đến nhiều giá trị cho người kia. Môn Lịch sử có thể ít quan trọng đối với nhiều bạn, nhưng với những bạn cần môn Sử để thi vào trường chuyên, lớp chọn vì những mục tiêu của mình, thì nó vẫn đem lại giá trị to lớn cho những bạn đó. 

     Ngày hôm nay bạn thấy môn này chả giúp ích được gì, nhưng biết đâu ngày mai, ngày kia, hoặc trong bất cứ khoảnh khắc nào của cuộc sống, bỗng dưng bạn cần đến những kiến thức từ những môn học mà bạn cho là “phụ” đó, mà bạn lại không nhớ, đó phải chăng sẽ là điều mà bạn hối hận nhất vì đã không học tập thật chỉn chu? 

2. Coi nhẹ việc học dẫn đến kết quả không như mong đợi
 
     “Học cái này thì sau ra trường làm gì? Học cái kia thì sau cũng chả cần dùng tới.” Hẳn là các bạn đã từng nghe rất nhiều những câu nói, câu hỏi tương tự như này. Và nhiều khi, đến thời điểm chúng ta rời khỏi ghế nhà trường để trưởng thành, nhiều bạn vẫn sẽ thấy có vẻ những quan niệm này là đúng vì công việc và cuộc sống không cần dùng nhiều đến kiến thức đã học. Chính tư tưởng phân biệt môn chính – môn phụ đã dẫn đến những quan niệm không đúng đắn này.

      Khi chúng ta có tư tưởng coi nhẹ một điều gì đó chỉ là phụ thôi, ta sẽ không có những hành động chú tâm vào nó, ta sẽ đi tìm, hướng đến những điều chính yếu hơn, mà bỏ qua luôn những điều được coi là “phụ”. Nhưng thực chất, tất cả những điều lớn lao, những điều cốt lõi đều được đúc kết từ rất nhiều những cái “phụ” đó. Nếu chúng ta bỏ qua những điều “phụ”, làm sao ta có thể hiểu được bản chất của mọi vấn đề. Tương tự như vậy đối với việc học, khi chúng ta không coi trọng những môn học được coi là “phụ”, chúng ta chỉ chăm chăm vào những môn mà mọi người cho là “môn chính”, thì ta sẽ không hiểu hết được những kiến thức được đúc rút ra từ những môn học “chính” đó, từ đó dẫn đến học hoài mà chả hiểu được bao nhiêu, rồi đi thi, kiểm tra lại làm bài theo cảm tính, mơ hồ, chung chung, và kết quả lại không đạt yêu cầu, rồi lại một vòng tuần hoàn các bạn cứ thắc mắc tại sao có bỏ thời gian, công sức ra mà không đạt được kết quả. 

      Có một điều mà chúng ta đều nên ghi nhớ, đó là bỏ ra bao nhiêu thời gian, công sức không bằng năng suất, sự hiệu quả dành cho công việc, học tập ra sao. Nếu chúng ta chỉ chăm chăm học nhiều mà không hiểu bản chất của vấn đề, kiến thức sẽ không thể trở thành hành trang cho bản thân được. Thay vào đó, nếu mỗi ngày ta học một chút ít và hiểu một chút ít, sau nhiều ngày cộng lại, ta đã thấm được những điều cốt lõi mà tri thức đem lại. Mỗi môn học chỉ cần hiểu được một điều mỗi ngày, tiếp nhận thêm một dòng kiến thức thôi cũng được, sau nhiều ngày, chúng ta đã dần dần hiểu được ý nghĩa hay thông điệp của bài học rồi. 

3. Không luyện được khả năng liên hệ và tư duy có hệ thống
 
Những người thầy giáo, cô giáo dạy chúng ta cũng đã ít nhiều nhắc nhở rằng, mỗi một môn học đều có sự liên quan đến những môn học khác. Nếu dành thời gian quan sát, suy ngẫm và để ý, ta sẽ thấy những lời thầy, cô giáo dạy hoàn toàn đúng.

      Hiểu nôm na, khi học môn Sử, ta sẽ hiểu hơn về bối cảnh lịch sử của nước ta, của nhân dân, từ đó ta cũng sẽ hiểu và cảm thông được đối với những số phận, hoàn cảnh của các nhân vật trong môn Ngữ Văn, hay hiểu hơn về ngụ ý của tác giả khi xây dựng một cốt truyện khác lạ, một hình tượng nhân vật độc đáo, và tìm ra được những tầng ý nghĩa, thông điệp sâu xa được tác giả gửi gắm. Học môn tiếng Anh, có thể nhiều bạn sẽ cho rằng sau này mình không có nhu cầu đi nước ngoài thì cũng không cần tiếng Anh cho lắm cũng được, nhưng đi đến bất cứ đâu, khi bạn có ngoại ngữ thì mặc định bạn đã có lợi thế hơn rất nhiều và nổi bật hơn hẳn so với những người khác cùng trang lứa hay cùng hoàn cảnh. Mỗi môn học, mặc dù được tách riêng ra để học cho toàn diện, nhưng thực chất chúng đều ít nhiều có quan hệ mật thiết với nhau. Vấn đề ở đây đang nằm ở tư duy chưa có hệ thống của chúng ta.
 
      Khi ta tư duy một cách riêng rẽ, học các môn học một cách riêng lẻ, không có hệ thống, ta sẽ rất khó để có thể hiểu được toàn bộ những giá trị cốt lõi, những giá trị cơ bản mà môn học đem lại, từ đó sẽ không phát hiện ra được điều thú vị ở trong môn học đó, cũng như không tìm thấy niềm cảm hứng học tập. Và tại sao tư duy của chúng ta lại chưa có hệ thống? Đó chính là bởi quan niệm phân biệt môn chính – môn phụ mà ra. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình học tập của mình, sinh ra áp lực. Thực chất, việc học áp lực hay không đều là do suy nghĩ và những mặc định của chúng ta mà thôi. Tư duy không tốt sẽ dẫn đến hành động không tốt, và hành động không tốt sẽ dẫn đến kết quả không tốt. 

      Chúng ta có thể không cần giỏi toàn diện các môn, nhưng ít nhất, đừng nên có tư tưởng phân biệt môn này chính, môn kia phụ để lơ là, sao lãng việc học tập của mình. Khi chúng ta thực sự tận tâm, coi trọng việc học, ta mới cảm được những giá trị nhân văn mà việc học đem lại. Còn nếu như chúng ta cảm thấy học mà không được cái gì vào đầu, thì đó chỉ là do chúng ta chưa thực sự tâm huyết với nó mà thôi.

      TAKIS chúc tất cả các bạn học sinh cùng các bậc phụ huynh luôn giữ một tư duy cởi mở, không có sự phân biệt và đạt được những mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc sống của mình.

       Để đọc những tài liệu bổ ích về môn Ngữ Văn và những cách học Văn hiệu quả, hãy truy cập tại đây hoặc liên hệ hotline: 0979.269.571 để được tư vấn và hỗ trợ chương trình học tập tại TAKIS.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn